Thăng trầm tướng vị Trương_Thông

Mùa thu năm thứ 8 (1529), Cấp sự trung Tôn Ứng Khuê hặc Dương Nhất Thanh, Quế Ngạc cùng với Thông, Cấp sự trung Vương Chuẩn lại hặc Thông nhận hối lộ của Tham tướng Trần Phan, khiến ông chịu chỉ trích. Thông mấy lần xin hưu, ngầm vu cáo Dương Nhất Thanh giật dây việc này; Gia Tĩnh Đế vỗ về ông. Nhưng Cấp sự trung Lục Sán lại hặc Thông khéo bày oai phúc, báo ơn phục thù; Gia Tĩnh Đế nhận ra, bèn bãi chức của ông. Ít lâu sau, thành viên phái Nghị lễ là Hoắc Thao ra sức công kích Dương Nhất Thanh, ngầm tỏ ý biện bạch cho Thông. Bấy giờ Thông đi đến Thiên Tân, Gia Tĩnh Đế cho người mang theo sắc đi triệu ông về. Dương Nhất Thanh chịu bãi chức ra đi, Thông trở thành Nội các Thủ phụ.

Từ khi Gia Tĩnh Đế đuổi hết đình thần thuộc phái Hộ lễ, có thể chế tác lễ nhạc theo ý mình. Sau đó Hạ Ngôn bắt đầu được trọng dụng, đề nghị sửa đổi rất nhiều nghi lễ. Tuy những đề nghị đều giao xuống cho Thông bàn luận, nhưng Gia Tĩnh Đế đã quen thói độc đoán, ông chẳng can ngăn được bao nhiêu. Chỉ có việc phối tế Minh Thái Tông với trời, Thông nhiều lần can ngăn, Gia Tĩnh Đế mới thôi.

Tháng 2 ÂL năm thứ 10 (1531), Thông hiềm rằng tên của mình cùng âm với húy của Gia Tĩnh Đế (Chu Hậu Thông/朱厚熜 [6]), bèn xin đổi tên, được ban tên là Phu Kính, tự Mậu Dụng; đế tự tay viết to 4 chữ này rồi ban cho ông. Hạ Ngôn cậy được Gia Tĩnh Đế tin yêu, mấy lần bới móc Phu Kính, nhưng ông ngậm hờn, chưa tỏ thái độ gì. Phu Kính theo lời Bành Trạch hãm hại Hành nhân Tư chánh Tiết Khản, mượn Khản để hại Hạ Ngôn. Việc bị tra xét ra, Ngự sử Đàm Toản, Đoan Đình Xá, Đường Dũ Hiền liên kết dâng chương hặc Phu Kính, Gia Tĩnh Đế dụ pháp tư lệnh cho ông trí sĩ, khiến Phu Kính xấu hổ ra đi. Ít lâu, Gia Tĩnh Đế sai người ban sắc triệu Phu Kính quay về kinh sư.

Tháng 3 ÂL năm thứ 11 (1532), Hạ Ngôn được cất nhắc làm Lễ bộ Thượng thư, ngày càng được trọng dụng. Nội các đã có Lý Thì, Trạch Loan, dù Phương Hiến Phu được gia nhập, nhưng Phu Kính không thể chuyên quyền như trước nữa. Tháng 8 ÂL, sao chổi xuất hiện ở phương Đông, Gia Tĩnh Đế ngờ có đại thần chuyên quyền, nên Phu Kính xin bãi chức. Đô cấp sự trung Ngụy Lương Bật mắng Phu Kính gian dối, Phu Kính nói rằng ông đã soạn chỉ dụ thay Hoàng đế (nghĩ chỉ) định tội Lương Bật lạm cử quan viên ở Kinh doanh, khiến ông ta chịu mất bổng lộc, đến nay Lương Bật mượn công báo thù riêng. Cấp sự trung Tần Ngao hặc Phu Kính cãi chày cãi cối, ngôn quan cũng kéo nhau luận tội ông để lộ ý định của Hoàng đế, cho rằng Phu Kính không xứng với vai trò của Nội các Thủ phụ. Gia Tĩnh Đế xem trọng lời của Tần Ngao, lệnh cho Phu Kính trần tình, rồi cho ông trí sĩ. Lý Thì xin cấp cho Phu Kính lẫm lệ, sắc thư, đế không cho. Lý Thì xin lần nữa, đế cho Trì truyện [7] đưa Phu Kính về.

Tháng giêng ÂL năm thứ 12 (1533), Gia Tĩnh Đế lại nhớ đến Phu Kính, sai Hồng lư đem sắc triệu ông về. Tháng 4 ÂL, Phu Kính về triều. Tháng 6 ÂL, sao chổi lại xuất hiện ở khoảng Tất – Mão, Phu Kính muốn rời chức, đế không cho. Năm sau (1534), Phu Kính được tiến làm Thiếu sư kiêm Thái tử Thái sư, Hoa Cái điện Đại học sĩ.

Ban đầu, người Lộ Châu là Trần Khanh nổi dậy, Phu Kính chủ trương dùng binh. Sau khi dẹp xong nghĩa quân ở Lộ Châu thì Đại Đồng có loạn, Phu Kính cũng chủ trương dùng binh, tiến Lưu Nguyên Thanh làm Tổng đốc, nhưng đánh mãi mà không có kết thúc. Đến khi dẹp xong nghĩa quân ở Đại Đồng, Đại vương Chu Sung Diệu xin triều đình cho đại thần đến vỗ về dân chúng, Hạ Ngôn ra sức chỉ trích việc dùng binh, đề nghị đáp ứng lời xin của Đại vương, lời lẽ phần nhiều đổ lỗi cho Phu Kính, khiến ông giận, trì hoãn việc cử người đi Đại Đồng. Gia Tĩnh Đế ban dụ lệnh cho Phu Kính với Hạ Ngôn giao hảo, rồi sai Hoàng Oản đi Đại Đồng, tùy cơ làm việc. Phu Kính lấy cớ lời bàn của mình không được dùng, xưng bệnh xin hưu, dâng sớ lên đến 3 lần; lại thêm con trai mất, ông lại ra sức cầu xin. Gia Tĩnh Đế trả lời rằng Phu Kính không có bệnh, nhưng ông tiếp tục dâng tấu, không nhận lỗi mà còn nói xấu cả thành viên phái Nghị lễ là bọn Quế Ngạc, Phương Hiến Phu, Hoắc Thao, Hoàng Oản. Gia Tĩnh Đế trách mắng Phu Kính, rồi cho ông quay lại coi việc. Gia Tĩnh Đế ở phía sau điện Văn Hoa xây dựng Cửu Ngũ trai, Cung Mặc thất làm nơi nghỉ ngơi, mệnh cho đại thần Nội các làm thơ, Phu Kính kịp thời dâng lên 4 bài. Sau đó Phu Kính mấy lần được triệu kiến ở tiện điện, vui vẻ bàn luận như trước.